KỶ LUẬT TRONG MONTESSORI

Phép màu hay sự thật? Bài viết dài nhưng rất đáng để đọc!

Lần đầu tiên đến thăm một lớp học Montessori, một người có thể tự hỏi rằng phép lạ nào đã được ếm lên những đứa trẻ này khiến cho chúng rất điềm tĩnh và tự học chăm chỉ. Nhưng một người khác với cùng một lớp học lại có thể cảm thấy phân vân với sự độc lập trẻ có được, không hiểu kỷ luật nằm ở đâu vì thấy bọn trẻ chỉ toàn làm theo ý muốn của chúng. Khách thăm trường thường đưa ra những nhận xét như là, “Tôi thấy rằng Montessori quá tự do và hỗn loạn” hoặc “Tôi nghe rằng Montessori thì quá nghiêm khắc.” Có vẻ thật vô lý khi cả hai nhận định đối nghịch như vậy lại cùng có thể nói về một vấn đề. Tuy nhiên, Montessori là thế nào chính là do cách nhìn nhận của mỗi người. Phương pháp hay triết lý giáo dục này được diễn giải khác nhau tùy vào mỗi trường học, mỗi giáo viên, mỗi phụ huynh. Có những lớp Montessori thì khá cứng nhắc và được kiểm soát chặt chẽ, và cũng có những lớp học chẳng có trật tự gì và mọi thứ cứ thế diễn ra. Tuy nhiên, thực hiện tốt Montessori phải là sự kết hợp và cân bằng hoàn hảo giữa tự do và khuôn khổ. Những giáo viên và người quản lý trường Montessori giỏi nhất hiểu rằng duy trì được sự căn bằng tinh tế ấy là một trong những khía cạnh thử thách và cũng đáng để làm nhất trong nghề nghiệp của họ. Sự tự do và những khuôn khổ này sẽ là nền tảng để trẻ xây dựng tính kỷ luật tự thân xuất phát từ trong chính bản thân trẻ.

Tự do là một từ mà theo cách nghĩ truyền thống sẽ không thể đi liền với kỷ luật. Phụ huynh thường lo lắng rằng với sự tự do mà Montessori trao cho trẻ để được tự lựa chọn hoạt động, kỷ luật sẽ trở thành một khái niệm xa vời với lớp học. Có đúng là sự tự do là đồng ý để cho trẻ được làm như trẻ muốn hay sự tự do lựa chọn hoạt động phải đi kèm với những trách nhiệm nhất định trong cộng đồng lớp học? Có thật sự rằng chúng ta cho trẻ một nơi mà trẻ có thể làm những gì trẻ thích như một vài người đã từng tuyên bố; hay như một học sinh Montessori đã từng nói, một nơi mà trẻ thích những việc mà chúng làm.

Để có thể thảo luận nghiêm túc về những câu hỏi này, có vẻ điều đầu tiên ta cần làm là định nghĩa thứ được gọi là kỷ luật. Bản thân Montessori tin rằng kỷ luật thì không phải nằm ở những biểu hiện có thể được nhìn thấy mà nằm ở trong cách sống. Kỷ luật đúng đắn thường đến từ bên trong hơn là do bên ngoài và là kết quả của một sự phát triển đều đặn trong nội tâm con người. Giống như một em bé cần phải học cách đứng trước khi bé biết đi, trẻ cần thiết lập những trật tự bên trong mình thông qua làm việc với những hoạt động, rồi sau đó bé mới có thể có khả năng tự lựa chọn và thực hiện hành vi riêng của mình. Thật đáng ngạc nhiên khi Montessori phát hiện rằng sự tự do mà trẻ có được trong lớp học của bà chính là phương tiện để trẻ bộc lộ một khả năng từ bên trong trẻ mà còn được gọi là kỷ luật nội tại. Tự lập không hề làm giảm đi sự tôn trọng dành cho người lớn mà thậm chí còn củng cố hơn nữa sự tôn trọng này. Một trong những điều mang đến cho bà nhiều sự thích thú nhất là trật tự và kỷ luật dường như gắn kết nhau rất chặt chẽ và tạo ra kết quả là sự tự do.

Nhưng, nhiều người cho rằng kỷ luật là thứ phải được áp lên từ bên ngoài bởi người quản lý, như khi họ ra lệnh và cần được tuân lệnh ngay lập tức mà không được đặt câu hỏi nào. Kỷ luật trong môi trường Montessori không phải do người lớn tác động lên trên trẻ; đó cũng không phải là một kỹ thuật để điều khiển hành vi của trẻ. Điều chúng ta quan tâm là sự phát triển năng lực tự điều khiển của trẻ, điều sẽ cho phép một cá nhân lựa chọn một hành vi đúng bởi vì điều đó là đúng đắn đối với bản thân người đó và đúng đắn cho cộng đồng.

Nếu kỷ luật đến từ bên trong, vậy thì giáo viên làm gì trong lớp? Kỷ luật nội tại có được nhờ vào sự tự rút ra của bản thân. Nó không phải là thứ có thể tự động xuất hiện trong con người trẻ và nó cũng không thể có được nhờ vào sự dạy dỗ. Vai trò của người giáo viên lúc này là trở thành một hình mẫu và người hướng dẫn trong khi hỗ trợ đứa trẻ để bé phát triển đến được mức độ mà bé có thể tự quyết định chấp nhận và làm theo những “quy định” trong cộng đồng lớp học. Cấp độ của sự vâng lời này là chính là cột mốc mà sự vâng lời tự thân đã đạt đến. Chúng ta có thể nhận ra cấp độ vâng lời này khi trẻ có thể tự chọn thực hiện những hành vi phù hợp ngay cả khi không có mặt của người lớn.

Kỷ luật bao hàm sự vâng lời ở một mức độ nhất định. Trước 3 tuổi thì trẻ thật sự không có khả năng vâng lời, ngoại trừ yêu cầu đưa ra vô tình đáp ứng với những thôi thúc bản năng của trẻ. Ở giai đoạn này, tính cách của trẻ chưa được hình thành đến mức độ mà trẻ có khả năng đưa ra sự lựa chọn vâng lời người khác. Đây là cấp độ mà Montessori gọi tên là cấp độ đầu tiên của sự vâng lời. Một em bé toddler (chập chững biết đi) có thể vâng lời, nhưng không phải luôn luôn làm như vậy. Cấp độ thứ hai của sự vâng lời xảy ra khi trẻ có khả năng hiểu những mong muốn của người khác và có thể thực hiện chúng bằng hành động của mình. Khi trẻ đạt đến cấp độ vâng lời thứ hai này, hầu hết phụ huynh và giáo viên sẽ nghĩ là họ đã đạt được mục tiêu. Người lớn thường chỉ mong nói ra là trẻ nghe lời ngay. Nhưng mục tiêu của Montessori còn vượt xa hơn thế, đó là mức độ thứ ba mà Montessori gọi là “sự nghe lời trong hạnh phúc”. Ở giai đoạn này đứa trẻ có được sự vâng lời ở bên trong mình, hoặc ta có thể nói rằng, trẻ đã hình thành được sự kỷ luật nội tại giúp trẻ nhìn thấy một cách rõ ràng những giá trị về quyền lợi mà trẻ sẽ nhận được từ người quản lý và trẻ sẽ hăng hái vâng lời. Đây không phải là sự vâng lời một cách mù quáng, mà là một lựa chọn khi đã có được thông tin đầy đủ, thực hiện bởi một tính cách được nuôi dưỡng trong sự tự do và đạt đến tiềm năng phát triển cao nhất. Đó là điều mà chúng ta muốn dành cho trẻ của mình. Với mức độ vâng lời này, hay còn gọi là kỷ luật nội tại, trẻ sẽ bắt đầu hình thành sự tự trọng nội tại, tức là trẻ không thể cưỡng lại việc tôn trọng quyền lợi và nhu cầu của những người khác bên cạnh quyền lợi và nhu cầu của chính mình. Trẻ lúc đó có thể học hỏi và phát triển một cách tự do trong sự an toàn của một cộng đồng gồm những thành viên có đều sự tôn trọng lẫn nhau.

Những điều này quả là những triết lý đẹp đẽ, tuy nhiên liệu Montessori có thể thật sự mang đến kết quả này. Montessori chỉ có thể mang lại lợi ích cho trẻ khi nó không chỉ nằm trên lý thuyết mà áp dụng được vào thực tế. Việc này bao gồm sự chuẩn bị kỹ càng của người giáo viên và môi trường của lớp học.

Giáo viên phải là chuyên gia, được đào tạo về sự phát triển của trẻ em, về triết lý Montessori và phương pháp phù hợp với lứa tuổi của nhóm trẻ mà họ làm việc cùng. Quan trọng không kém, những người lớn này cần sở hữu sự đam mê mạnh mẽ dành cho việc học hỏi, sự tôn trọng sâu sắc cho mọi sự sống, lòng tốt và sự kiên nhẫn của một vị thánh.

Lớp học cần phải đẹp đẽ, xếp đặt có trật tự, và rất mời gọi đến nỗi trẻ không thể cưỡng lại mong muốn được khám phá. Nơi này cần được bao phủ bởi cảm giác ngạc nhiên kỳ diệu. Trong môi trường như thế đứa trẻ sẽ được tự do để khám phá, nhưng tự do này sẽ đi kèm cùng với những trách nhiệm. Một trong những bí quyết thành công trong lớp học Montessori là tự do trong giới hạn, thiết lập bởi những quy định cơ bản rất rõ ràng. Quy định cụ thể sẽ khác nhau tùy theo mỗi nơi nhưng cối lõi thì nói chung là như nhau: 1) Chăm sóc tất cả mọi người và những sinh vật sống trong môi trường, và 2) Chăm sóc tất cả mọi giáo cụ học tập trong môi trường. Bạn có thể nghĩ như thế này, bất kì hành động “được làm” hay “không được làm” nào của trẻ đều phải tuân thủ với hai luật này, hoặc thậm chí có thể được thu hẹp hơn nữa thành một luật đơn giản, “chúng ta cần phải tôn trọng mọi người và mọi vật trong môi trường”.

Quy định nghe có vẻ đơn giản, nhưng chúng được triển khai rất chi tiết. Bạn không nên nghĩ rằng đứa trẻ sẽ tự nhiên mà hiểu thế nào là tử tế hoặc tôn trọng. Người lớn cần dành rất nhiều thời gian và năng lượng để tập trung vào việc dạy những bài học mô tả những hành vi phù hợp trong cuộc sống xã hội. Trẻ em không chỉ tự nhiên mà biết làm thế nào để làm bạn với nhau, cách để thể hiện sự tức giận, hoặc làm sao để giải quyết mâu thuẫn. Trên thực tế, một số người lớn vẫn còn cần phải học về những vấn đề này. Nhưng chúng ta lại thường quên mất việc dạy cho trẻ những kỹ năng cần thiết hằng ngày để có thể sống hòa hợp với người khác. Những kỹ năng đặc biệt này được dạy thông qua các bài học về thao tác, ứng xử Duyên Dáng và Lịch Thiệp. Đây là những bài trình bày bằng cách biểu diễn các hành vi cần dạy, và sau đó là thực hành đóng vai, và sẽ được thực hiện hằng ngày bởi giáo viên và những học sinh lớn trong lớp như là những hình mẫu để trẻ nhỏ noi theo và lặp lại. Trẻ sẽ học những kỹ năng rất quan trọng như, cách để bắt tay và chào đón một người bạn, cách để có thể chen ngang hỏi chuyện một người đang bận việc gì đó nếu cần, và cách để đề nghị người khác vui lòng tránh ra khỏi đường đi của mình. Bọn trẻ yêu thích những bài học này. Chúng luôn hào hứng để được đến lượt mình được đóng vai để thực tập, và chúng rất vui sướng khi được biết một cách tốt hơn để giải quyết những tình huống khó của bản thân mình.

Một vấn đề quan trọng khác đáng được quan tâm, đó là trẻ em đều có cùng mức độ và chiều sâu cảm xúc như người lớn, nhưng chúng không có được sự trưởng thành hay kinh nghiệm để đặt cảm xúc vào những góc nhìn khác để xử lý cảm xúc. Mục đích của những bài học Duyên dáng và Lịch thiệp cùng với kỹ thuật giải quyết mâu thuẫn là để công nhận những cảm xúc này và cho trẻ những công cụ để xử lý chúng thành công. Trẻ học điều phải làm nếu có ai đó không tử tế, không làm đúng với mình và làm sao để thảo luận về những mâu thuẫn khi chúng xảy ra. Giáo viên và trẻ hoạt động như những người điều chỉnh, hướng dẫn những bạn nhỏ đang có hiềm khích với nhau xử lý vấn đề theo một quy trình, nói ra cảm xúc và tìm phương án để sửa chữa những lỗi lầm đã gây ra. Trong một tình huống như vậy, một trẻ-năm-tuổi đã trở thành một người hòa giải cho hai trẻ em đang bất đồng căng thẳng. Bé đã cầm hai bàn tay của những đứa trẻ đang giận dữ lại đặt lên nhau, xoa lưng chúng trong khi khuyến khích chúng thương thuyết. Theo thời gian, cùng với việc làm mẫu và kiên định thực hiện thống nhất, trẻ em sẽ trở nên thông thạo kỹ năng giải quyết những khó khăn khi sống trong xã hội. Trên thực tế, một số phụ huynh đã kể những câu chuyện trong đó trẻ đã khuyến khích những cuộc đàm phán hòa bình giữa cha mẹ, giúp giải quyết những vấn đề giữa anh chị với những người bạn hàng xóm.

Bên cạnh những bài học về ứng xử lịch thiệp trong xã hội, việc phát triển những kỹ năng thực tế cho cuộc sống rất được chú trọng. Những vấn đề mà chúng tôi thường gọi là hành vi lệch lạc thường là hệ quả xảy ra khi trẻ cảm thấy không được an ổn, và thiếu sức mạnh. Nếu trẻ em có thể hạnh phúc hòa mình vào những hoạt động có mục tiêu rõ ràng, mang lại sự thỏa mãn và hài lòng với chính bản thân mình, trẻ sẽ trải nghiệm được cảm giác tuyệt vời của sự thành công và sức mạnh. Khi trẻ có thể tự làm những việc để phục vụ cho bản thân mình, bé sẽ cảm thấy tự tin và kiểm soát được mọi việc. Những kĩ năng của cuộc sống hằng ngày như rót nước, lau chùi bàn ghế, rửa chén, đánh bóng, cũng giúp trẻ học được cách tập trung sự chú ý và hoàn thành một công việc. Những bài học này đòi hỏi trẻ phải đi theo từng bước có trình tự trong một quy trình cụ thể, điều này về sau sẽ giúp phát triển cả kỷ luật nội tại và cách tư duy logic, vì vậy tạo ra một nền tảng cho những hoạt động học thuật trừu tượng hơn được cung cấp trong những khu vực khác của lớp học.

Phép lạ khiến cho một trẻ học Montessori trở nên tuân thủ kỷ luật chính là tình yêu của bé dành cho những hoạt động có ý nghĩa. Khi môi trường có được sự kiên định thống nhất, có những người lớn biết cách giáo dưỡng và có những công việc đầy hứng thú, trẻ sẽ hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhất của cuộc đời, là kiến tạo nên con người trưởng thành của trẻ. Montessori cung cấp cho trẻ những công cụ quý báu để thực thi nhiệm vụ này: sự tự lập, tính trật tự, phối hợp các bộ phận cơ thể, sự hợp tác với người khác, và sự tự tin.

Tuy nhiên, phương pháp giáo dục Montessori chỉ là một phần trong cuộc sống của trẻ. Môi trường ở nhà cùng với tình yêu của ba mẹ mới là những yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển của bé. Không may là con của chúng ta không sinh ra trong đời với một quyển hướng dẫn sử dụng đi kèm. Phần đông phụ huynh sẽ dựa trên những sự hiểu biết của thế hệ ông bà và sự hướng dẫn của bác sỹ, cũng như đi theo những bản năng riêng để xác định phong cách nuôi dạy trẻ đúng đắn cho gia đình mình. Phụ huynh nên tìm kiếm những trường Montessori thân thiện và sẵn sàng cung cấp những hỗ trợ khi cần thiết. Khi trường học và gia đình phát triển được một mối quan hệ hỗ trợ chặt chẽ thì sẽ tạo thêm nhiều sự ổn định và đồng nhất cho trẻ.

Làm sao phụ huynh có thể mang kiểu kỷ luật như thế này từ lớp học về nhà? Chúng tôi khuyến khích kiểu phụ huynh theo trường phái dân chủ hơn là kiểu phụ huynh thống trị như hầu hết chúng ta đã từng trải qua từ khi còn bé. Chúng ta đã từng phải học cách vâng lời vì “nếu không thì...”. Kỷ luật được áp đặt từ bên ngoài lên con trẻ chứ không phải được cho phép tự hình thành từ bên trong. Những lời đe dọa, quà cáp để nịnh trẻ, hoặc hình phạt tước đi những quyền lợi là những chiêu thức được mong đợi sẽ khiến chúng ta phục tùng mong muốn của cha mẹ mình. Ở đây, để thống nhất với kiểu “kỷ luật” đã được sử dụng trong lớp học Montessori, cách dạy con ở nhà của phụ huynh nên tập trung vào sự tôn trọng cảm xúc của trẻ, những sự chọn nằm trong giới hạn, những lời khuyến khích, cách giải quyết mâu thuẫn, và hệ quả logic và tự nhiên của những hành vi.

Dù cho ở nhà hay trong lớp học, quan trọng là ta phải luôn ghi nhớ về mục tiêu cao nhất của kỷ luật. Ta hay thực hiện kỷ luật chỉ để giải quyết vấn đề hiện tại ngay trước mắt, nhưng tiềm ẩn nhiều khả năng tạo thêm những vấn đề khác trong tương lai. Để thực hiện kỷ luật với mục tiêu dài hạn, chúng ta cần luôn ghi nhớ trong đầu về hình ảnh của một con người trưởng thành độc lập mà bạn mong muốn con trẻ của mình sẽ trở thành.

Mục tiêu của lớp học Montessori, dù với lứa tuổi sơ sinh, hay trẻ chập chững biết đi, hoặc trẻ tiền tiểu học, tiểu học, trung học,... đầu tiên và cao nhất vẫn là phát triển những kỹ năng cần thiết cho một cuộc sống hữu ích và phát triển được mọi tiềm năng của trẻ. Sự tuyệt vời nhất của chương trình học thuật sẽ trở nên vô dụng nếu trẻ không thể hình thành kỷ luật nội tại, sự chính trực, sự tôn trọng dành cho người khác và cho chính bản thân mình. Với sự suy đồi về đạo đức trong thế giới hiện nay, những mục tiêu này có thể nghe xa vời, nhưng sự thực chúng lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Những con người trẻ tuổi đương đầu với thế giới ngày mai, nếu được trang bị sự tin tưởng vào chính bản thân mình và kỷ luật nội tại, sẽ có rất nhiều khả năng đạt được thành công và hạnh phúc. Họ sẽ được chuẩn bị để đối diện với bất kỳ thử thách nào mà “thế giới thực” có thể mang đến, và hy vọng rằng họ có thể mang đến cho thế giới một ít bình yên và niềm hạnh phúc mà họ đã được trải nghiệm trong môi trường Montessori.

Tác giả: Mary Conroy và Kitty Williams Bravo

Link gốc bài viết: http://www.chesapeakemontessorischool.com/montessori.../

Sưu tầm.

Bài viết khác:

Thứ 2 là ngày đầu tuần Images trans

Thứ 2 là ngày đầu tuần

Thứ 2 là ngày đầu tuần

Xem Thêm

THÍ NGHIỆM Images trans

THÍ NGHIỆM "VẬT CHÌM, VẬT NỔI"

THÍ NGHIỆM "VẬT CHÌM, VẬT NỔI"

Xem Thêm

Trẻ có thể tự mình làm mọi việc Images trans

Trẻ có thể tự mình làm mọi việc

Trẻ có thể tự mình làm mọi việc

Xem Thêm

096 3010136